Ám ảnh từ phòng nạo hút thai
Trong khi tỷ lệ vô sinh hiếm muộn tại Việt Nam gia tăng, thì tỷ lệ nạo phá thai lại tăng theo từng năm. Chỉ với một ngày theo các bác sĩ tại Khoa Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ), Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, tôi mới thấu hiểu những nỗi ám ảnh của cả bác sĩ và bệnh nhân sau mỗi ca nạo hút thai.
Hộp nhựa, túi bóng đen… đựng thai nhi
7 giờ 30 sáng 17/8, khu vực xếp hàng đóng tiền tại Khoa KHHGĐ đã rất đông người đứng đợi. Gọi là “Kế hoạch hóa gia đình” nhưng không ít trong số những người xếp hàng tại đây là những bạn trẻ chưa có gia đình. Những lý do để người ta phải bỏ đi giọt máu của mình thật muôn hình vạn trạng: Người do thai bệnh lý, người đã lập gia đình nhưng “nhỡ” không sử dụng biện pháp tránh thai, hay có những bạn trẻ khi được bác sĩ hỏi còn hồn nhiên trả lời “không biết vì sao lại có thai”.
Lân la hỏi chuyện một người đàn ông chừng ngoài 30 tuổi, đi cùng còn có cả chị gái và mẹ, anh kể rằng vợ anh đang mang thai đứa con đầu lòng được 20 tuần, bỗng nhiên thai chết lưu mà không biết lý do, sau khi thăm khám vợ anh được chuyển về Khoa KHHGĐ để hút thai. Quá đau lòng trước sự việc, anh và gia đình đã xin các bác sĩ được đem thai nhi về chôn cất. Mẹ anh đã chuẩn bị sẵn một hộp nhựa có nắp, một túi bóng đen để sẵn sàng đưa bác sĩ khi đến lượt con dâu làm thủ thuật. Bà cứ nhìn chăm chăm vào chiếc hộp rỗng không với đôi mắt đượm buồn.
Đứng ngồi thấp thỏm trước tấm rèm phòng thủ thuật, một gia đình khác ngồi bàn cách làm thế nào để giấu được lái xe taxi mà vứt tiền vàng trên đường đưa thai nhi về, người thì gọi điện nhắc người thân ở nhà chuẩn bị sẵn chỗ để “đón cháu về”.
Trường hợp này không phải do thai chết lưu mà vì cặp vợ chồng trẻ “nhỡ” kế hoạch khi đứa con đầu chưa tròn một tuổi. Khoảng 30 phút sau khi người vợ vào làm thủ thuật, bác sĩ bước ra cửa với một túi bóng đen bọc kín bên trong là chiếc hộp đựng thai nhi giao lại cho gia đình. Người chồng ở lại chờ vợ, hai người phụ nữ đứng tuổi vội ôm bọc túi ra về để kịp giờ chôn cất. Trong hàng ghế ngồi chờ, một vài gia đình khác cũng đã chuẩn bị sẵn hộp nhựa và túi bóng đen. Khi biết rõ mục đích sử dụng của những đồ vật ấy, không ít người phải gợn mình.
Trưởng Khoa KHHGĐ, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội Lương Tâm Phúc cho biết, trung bình mỗi ngày tại khoa thực hiện từ 50 – 60 ca nạo hút thai. Có những ngày cao điểm, chỉ trong một buổi sáng các bác sĩ tại khoa phải thực hiện đến 60 ca. “Khoảng 8 – 10% bệnh nhân sau nạo phá thai xin được mang về, chủ yếu là những gia đình theo công giáo, việc này được bệnh viện cho phép khi gia đình có nhu cầu” – bác sĩ Phúc cho hay.
Ôm gấu bông đi phá thai
Ám ảnh với các bác sĩ không chỉ là những hộp nhựa đựng thai nhi mà là những ca phá thai ở tuổi vị thành niên. Trưởng Khoa KHHGĐ, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội Lương Tâm Phúc cho biết, có tới 20% số bệnh nhân đến phá thai tại khoa nằm trong tuổi vị thành niên từ 14 - 17 tuổi, thậm chí trong nhóm tuổi này đã có những ca mang thai tới 22 tuần đến yêu cầu được đình chỉ thai nghén. Cách đây không lâu, bác sĩ Phúc đã phải hút thai cho một bệnh nhân 15 tuổi, mang thai 11 tuần. “Bệnh nhân này đi cùng mẹ, sau khi nghe các bác sĩ tư vấn, cô bé không đồng ý bỏ thai, người mẹ đưa em ra ngoài thuyết phục không được đành phải đưa con về, đến lần thứ hai quay lại cô bé mới đồng ý làm thủ thuật” – bác sĩ Phúc kể lại.
Trực tiếp làm công tác tư vấn tại Phòng khám KHHGĐ, bác sĩ Nguyễn Thị Bích Ngọc luôn trăn trở khi tình trạng nạo phá thai ở tuổi vị thành niên có xu hướng tăng lên, gần đây nhất là trường hợp một bé gái 14 tuổi nhưng đã phá thai tới 2 lần và lần thứ 2 khi đến viện thai nhi đã 26 tuần nên các bác sĩ đành từ chối hồ sơ.
Kể về ca tư vấn khiến bản thân bị ám ảnh, bác sĩ Ngọc chia sẻ: “Tháng 7 năm ngoái, tôi tiếp nhận trường hợp hai mẹ con dắt nhau đến viện trông rất khắc khổ, đứa bé trông rất hồn nhiên luôn ôm trên tay một con gấu bông. Theo mẹ bé kể lại, gia đình có một dãy nhà trọ giá thấp cho người lao động ngoại tỉnh thuê, hàng ngày mẹ đi bán nước, bé ở nhà một mình nên bị một tên thợ xây dụ dỗ quan hệ tình dục, đến khi em bé kêu đau bụng đi khám mới biết thai nhi đã 18 tuần". Song, điều khiến bác sĩ Ngọc buồn nhất là tất cả các ca phá thai ở tuổi vị thành niên, gia đình luôn là người biết sau cùng.
Bác sĩ Ngọc cảnh báo, việc phá thai ở độ tuổi nào cũng đều ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí có thể gây vô sinh thứ phát. Với những người đã lập gia đình, bác sĩ Ngọc khuyến cáo các cặp vợ chồng nên lựa chọn cho mình các biện pháp tránh thai phù hợp như sử dụng bao cao su, thuốc tránh thai hàng ngày, đặt vòng, cấy que tránh thai. Với lứa tuổi vị thành niên cần được trang bị những kiến thức về sức khỏe sinh sản, phòng tránh thai từ phía nhà trường và gia đình.
Nguồn: kinhtedothi
Learn more »