Mẹ ghẻ con chồng

me ghe con chong

Năm nay nó vừa tròn sáu tuổi, một thằng nhóc lầm lì, ít nói. Mái nhà tranh lụp xụp nằm hiu quạnh giữa đồng là nơi chui ra chui vào của hai cha con.

Từ nhỏ, đã nhiều lần nó gặng hỏi cha, rằng má đâu. Nhưng câu trả lời khi là một ánh nhìn xa xăm lên bầu trời, khi chỉ là một làn khói thuốc toả bay, khi lại là vẻ mặt trầm ngâm đầy khắc khổ. Rồi dạo nọ, dưới ánh trăng rằm, cha nó chỉ tay lên trời, chỗ những chòm sao lung linh đang toả sáng. Má con đó!

- À té ra má con ở trên trời. Dzậy mà bữa giờ cha không nói.

Nó nhìn đăm đắm lên trời, cố hướng mắt nhìn rõ nơi má nó đang đứng. Ra vẻ thích thú. Một chốc, rồi mặt xị xuống

- Cha ơi, sao má không xuống đây chơi với con.

– Con phải thiệt ngoan. Lớn lên, cha sẽ kêu má zìa. Nghen!

Vừa dứt lời, người đàn ông vội đưa tay lên dụi mắt, ngăn dòng lệ chực trào. Đã gần sáu năm rồi, kể từ ngày má nó bỏ hai cha con mà đi. Hình ảnh xưa cũ hiện về. Mùa mưa lũ, nước trắng xoá phủ khắp cánh đồng. Gia đình ba người lái ghe vào bờ tránh lũ. Bỗng ghe gặp vòng xoáy, chìm xuống. Trong cơn hoảng loạn, ông chỉ kịp với lấy thằng bé đang khóc thét. Dòng nước dữ đã cuốn người vợ thân yêu của ra xa rồi chìm nghỉm. Hình ảnh lưu lại chỉ là một cái với tay vô vọng.

Sáu năm trôi qua, ông một mình nuôi con. Cảnh gà trống nuôi con, vừa làm cha, vừa làm má. Gánh nặng mưu sinh đã hằn những nếp nhăn trên gương mặt hốc hác. Thương thằng nhỏ không được lớn lên trong tiếng ru ầu ơ như chúng bạn, thương bản thân thiếu hơi ấm một người đàn bà. Nhiều đêm, ông nằm trằn trọc tới sáng. Dẫu vậy, chưa một lần ông nghĩ tới chuyện đi thêm bước nữa. Vì hình ảnh người vợ quá cố vẫn là điều không thể thay thế trong trái tim ông.

Rồi một ngày, nó về nhà, người lem luốc như vừa cày xong thửa ruộng.

- Mấy đứa trong xóm dám kêu má con chết rồi. Con kêu má đang ở trên trời mà không đứa nào thèm tin. Còn cười nữa 

Nó vừa kể, vừa đưa tay quệt ngang giọt mồ hôi trên trán.

- Ít bữa cha dắt má về chơi với con, cho tụi nó biết tay, cha heng.

Cha nó không nói gì, chỉ gật gật. Tối đến, ông bắt gặp nó đang hứng xô nước, rồi ngồi thủ thỉ, chốc chốc lại ụp mặt vào xô. Thấy ông, mặt nó rạng rỡ, khoe vội.

- Con đang ngồi nói chuyện với má nè cha. Rồi nó chỉ tay. Má nè. Ông ngoại nè. Bà ngoại nè.

Cúi mặt xuống, ông chỉ kịp thấy mặt trăng và những ánh sao đang nhảy múa xập xình trong xô nước.

Ngày kia, khi mặt trời chưa kịp qua cây sào, cha nó bước về nhà, tay dắt theo một người đàn bà.

- Tèo! Ra đây coi cha đem má zìa cho con nè!

Đang ngái ngủ, nhưng nó vẫn kịp nhận ra người này

- Cha xạo con. Đây là dì Bảy. Không phải má!

Rồi nó vọt chạy ra vào trong nhà, úp mặt xuống gối, khóc nứ nở. Nó có lần gặp dì Bảy ở đầu xóm. Nghe nói Dì ở một mình, tính hiền lành tốt bụng. Nhưng hôm nay tự nhiên thấy ghét dì quá chừng, ghét cả cha nữa. Nghĩ tới má đang ở trên trời, nó chỉ muốn chạy lên ôm chầm lấy má mà khóc. Hơi ấm người mẹ là điều quá xa xỉ với nó ngay lúc này.

Từ ngày nhà có thêm người, nó suốt ngày chỉ ngồi ru rú trong phòng. Chỉ đến tối mới chịu ra ngoài, ngước lên trời nói chuyện với má. Dì Bảy càng tỏ ra quan tâm, nó càng không đoái hoài. Dì ra chợ sắm cho nó bộ áo đẹp, nó chẳng thèm đụng tới Bữa ăn, nó chỉ ăn cơm trắng. Dì gắp miếng cá vào chén, nó vùng vằng hất tung chén, cơm vung vãi khắp nơi.

- Dì không phải má con!

Rồi bỏ vào phòng, mặc kệ cha và dì đứng sau với ánh mắt ái ngại. Cái cảm giác bị cha phản bội cứ bám theo nó như hình với bóng.

Tụi nhỏ trong xóm không biết học từ đâu, suốt ngày rêu rao

Mấy đời bánh đúc có xương

Mấy đời dì Bảy lại thương thằng Tèo

Vậy mà nó chẳng thèm đuổi đánh tụi nó như bình thường. Vì nghe người ta nói cha đem dì Bảy về làm mẹ ghẻ nó. Càng nghĩ, càng thấy tủi thân.

*****************

Người đàn ông vừa châm điếu thuốc, vừa thở dài đầy mệt mỏi. Thương con thiếu hơi ấm một người mẹ. Vậy mà từ ngày nhà có thêm bóng dáng một người đàn bà, tình cảm cha con dường như có một bức tường vô hình ngăn cách.

Nhìn thái độ thằng Tèo đối xử với dì Bảy, ông không nỡ trách con mình. Số ông lận đận một đời, chỉ mong sao sau này thằng Tèo lớn lên, nó sẽ hiểu cảm giác của ông lúc này.

Thương cảnh hai cha con sống thui thủi một mình giữa đồng, hoàn cảnh mình cũng đơn chiếc, nhận lời góp gạo thổi cơm chung. Xóm làng dị nghị, lời ra tiếng vào. Cả đời khổ cực, khổ thêm nữa cũng chịu được. Chỉ mong một lần được cảm nhận hơi ấm tình thương gia đình.


*****************

Vừa nghĩ, dì Bảy vừa tranh thủ hâm nóng lại thức ăn, sợ tối Tèo tỉnh dậy đói bụng, còn có cái ăn. Mấy hôm nay nó chẳng ăn uống gì ra hồn.

Đêm về khuya, gió lạnh thổi về buốt cả con tim. Tiếng con quốc kêu gọi bầy càng khiến khung cảnh trở nên thê lương, buồn da diết. Một mái nhà nhỏ, ba con người, ba tâm trạng khác nhau. Mọi thứ vẫn còn quá bỡ ngỡ.

Mùa lũ. Nước từ thượng nguồn đổ về, cuốn hết tất cả những gì ngang qua. Người người ai nấy lo ràng buộc lại nhà cửa, phòng khi nước lên đột ngột, không kịp trở tay. Đêm đến, cả cánh đồng phủ một màu trắng xoá toàn nước là nước. Người đàn ông chạy vội từ sau hè vào

- Chắc phải vào trong xóm trú thôi, ở ngoài này e không ổn.

Giọng trầm đục của người đàn ông bị át bởi tiếng hú của gió bão, tiếng rít ầm ầm của dòng nước chảy xiết. Ba người vội vàng thu gom đồ đạc, khép nép bước lên chiếc ghe đã buộc sẵn phía trước nhà. Ghe bơi được nửa chặng thì vướng vào thân cây trôi dạt từ phía thượng nguồn. Đang loay hoay gỡ ra thì bỗng một con gió to ào tới, chiếc ghe lật nhào, cuốn ba người xuống nước. Nó bị cuốn theo dòng nước dữ. Nhanh như cắt, cha và dì Bảy bơi vội theo…

Biết bao nhiêu cánh rừng bạt ngạt đã bị thiêu huỷ dưới bàn tay con người. Giờ đây con người phải gánh chịu hậu quả do chính họ gây ra. Hối hận có lẽ đã quá muộn.

Tỉnh dậy, bên tai vẫn còn tiếng kêu thảng thốt của cha. Mắt nó nhoà đi, bụng cồn cào khó chịu. Kịp nhận ra hai cha con đang nằm trên bãi cỏ cạnh bờ đê. Không có dì Bảy. Qua lời kể trong tiếng nấc nghẹn của cha. Khi nó sắp chìm vào dòng nước, dì Bảy kịp với tay chụp lấy chân nó. Hai dì cháu vật lộn một hồi chiến đấu với cơn lũ. Chưa kịp bơi tới bờ thì dì kiệt sức. Cũng may cha nó kịp ôm nó vào. Còn dì…

Lặng nhìn khung cảnh trắng xoá. Giọng nó yếu dần

- Dì ơi…


- Sưu tầm -