Con hư tại mẹ...

Tôi không nhớ chính xác là mình đọc nó ở đâu, nhưng lá thơ đã để lại trong tôi một cảm xúc thật đặc biệt. Câu chuyện làm tôi nhớ lại một đúc kết trong dân gian từ rất lâu đời: “Con hư tại mẹ…”. Tôi cho rằng câu nói trên hiện nay vẫn còn nguyên giá trị.

Lá thơ ghi lại lời tâm sự của một tử tù gửi cho mẹ mình trước khi bị thi hành án. Tóm tắt như sau:

“Mẹ ơi! Tội chết của con hôm nay là có một phần “đóng góp” của mẹ. Đáng ra, mẹ cũng phải bị tử hình như con mới công bằng. Vì chính mẹ là người hậu thuẫn cho những việc con làm!

Hồi còn bé, khi con trộm quả mít của người ta, chính mẹ đã đem cất giấu. Con đánh nhau với bạn, mẹ luôn ra sức bênh vực con. Con thi rớt, mẹ chạy chọt xin điểm khắp nơi. Con bị bố la rầy, mẹ bao che, nói đỡ.

Lớn lên, con giang hồ, bất hảo, mẹ vẫn không trách mắng một lời, còn bao biện, che giấu tội cho con.

Bây giờ, con mang tội giết người, cướp của bị kết án tử hình là tất nhiên thôi. Mẹ ơi! Mẹ đã sinh ra con, cho con cuộc sống nhưng cũng chính tay mẹ cướp nó đi…”.

Tôi vẫn nhớ như in mấy câu sau cuối, vì nó rất ấn tượng, nó để lại trong lòng tôi nỗi day dứt khôn nguôi, nó làm trái tim tôi rã nát và đau đớn.

Đoạn cuối như thế này: Lá thư này con viết/ Chẳng để trách mẹ đâu/ Mà là con muốn gửi / Tới tất cả đôi câu/ "Cách thương yêu con trẻ/ Không phải bởi nuông chiều/ Mà đòn roi, răn trị/ Đấy mới là thương yêu!"/ Thôi, con xin dừng bút/ Vĩnh biệt mẹ thiên thu/ Ký tên: con của mẹ/ À không, kẻ tử tù!

Không chắc đây là câu chuyện có thật, nhưng nó nêu lên một quan điểm giáo dục đáng để các bà mẹ suy ngẫm. 

Cho dù xã hội có hiện đại, văn minh đến mấy thì “thiên chức làm mẹ” cũng được tạo hóa giao cho người phụ nữ. Vì “ông trời” ổng biết, “thiên chức làm cha” suốt ngày đi “săn bắt” ở ngoài đường, không kể nếu là người lính còn phải biền biệt chiến trường, thời gian đâu gần gũi con cái.

Đứa trẻ khi mới tượng hình đã ở trong bụng mẹ. Khi ra đời cũng là mẹ cho bú mớm, chập chững biết đi cũng là quấn quanh chân mẹ. Trẻ không hề tiếp cận với thế giới bên ngoài, không hề bị tác động của xã hội cho đến khi trẻ đến trường. Những năm đầu đời ấy, tất cả thói quen của trẻ đều do mẹ tập tành. Cái trang giấy trắng đời người trong trẻo của con chính là mẹ ghi lên những dòng khai bút. Giáo dục của gia đình trong giai đoạn này là khởi nguồn của mọi đức hạnh. Có câu: “Thói quen tạo nên tính cách, tính cách tạo nên số phận”.

Cũng vì vậy, vai trò của người mẹ với con cái là rất quan trọng và có tính chất quyết định. Giới trẻ ngày nay thường hay “tị nạnh” thắc mắc: “Con hư tại mẹ vậy cha không có trách nhiệm à?”. Xin trả lời: dù cho xã hội có văn minh đến mấy, nam nữ có “bình quyền” đến đâu thì xét về đặc điểm “cơ thể học” , “tâm, sinh lý học”, giống đực và giống cái không thể giống nhau. Đàn ông có “thiên chức” của đàn ông, phụ nữ có “thiên chức” của phụ nữ. Nếu không tại sao khi thấy đàn ông lâm cảnh “gà trống nuôi con” ai cũng chạnh lòng. Còn phụ nữ “góa bụa thân cò” ai cũng ngưỡng mộ?

con hư tại mẹ

Giáo dục của gia đình trong giai đoạn đầu là khởi nguồn của mọi đức hạnh. 

Cái câu “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” không thể do người phụ nữ tự sỉ vả mình. Chắc chắn đó là lời của người đàn ông, cụ thể là mấy ông chồng, kiểu như trách móc “phê bình” chứ không có ý đồ đề quyết tội lỗi gì đâu. Vì mấy ổng cũng biết, cha là núi, còn mẹ muôn đời là biển, biển mênh mông lai láng, cuộn cuộn chảy nhưng uốn lượn, mềm mại. Biển không có đỉnh cao, không nặng nề, rắn chắc như đá núi. Biển thương con dựa theo cảm xúc nhiều hơn là lý trí đó là cái khác nhau muôn đời giữa đàn ông và phụ nữ.

Muốn đừng bị “đổ thừa”, các mẹ nên thay đổi một chút, cố gắng một chút, đừng chiều theo bản năng của mình: không bao bọc, bao che, dạy con sống tự lập, công thưởng tội trừng phân minh. Nói như người con tử tù kia là: “Nếu mẹ nghiêm như bố/Con đã chẳng gian manh/Nếu mẹ không xin điểm/Con đã gắng học hành!...”.

Trong lịch sử, cũng đã từng có rất nhiều bà mẹ nổi tiếng dạy con nên người. Trong đó có bà Mạnh mẫu, Chương Thị - mẹ của Mạnh Tử với sự tích ba lần chuyển nhà và câu chuyện cầm dao chặt đứt tấm vải để răn con tội trốn học.

Tóm lại, hiểu theo một ngữ cảnh nhất định “con hư tại mẹ” quả không sai. Thay vì xét nét, truy cứu sự liên đới trách nhiệm của các ông bố thì các bà mẹ ngày nay hãy chủ động nhìn nhận thấu suốt để điều chỉnh cách giáo dục con trẻ sao cho đạt hiệu quả nhất. Nói gì thì nói, “thiên chức làm mẹ” cũng là tạo hóa ưu ái ban tặng riêng người phụ nữ.




nguồn: thegioitiepthi